fbpx

Thi công móng và các kết cấu công trình
Nói đến móng, việc đầu tiên người ta thường nghĩ tới là độ rộng của móng và chiều sâu chôn móng. Đó là hai vấn đề của một bài toán phức tạp phụ thuộc rất nhiều vào tải trọng của công trình truyền xuống móng và cấu tạo địa chất, các chỉ tiêu cơ lý của đất phía dưới công trình.
Chiều sâu chôn móng: là chiều sâu từ đế móng đến mặt nền nhà. Trong những điều kiện bình thường, ta có thể chọn chiều sâu móng sao cho:

Đế móng không nằm trên lớp đất có tính ổn định kém (thường gọi là lớp đất xấu). Đó là các lớp đất mặt có lẫn nhiều tạp chất và các chất hữu cơ, rác rưởi.

Đế móng cũng không nằm trên các lớp đất bùn hoặc lớp đất lấp (tức là đất từ các nơi khác mang đến đổ để bồi đắp, chưa có tính ổn định và cấu tạo phức tạp như vữa chạt, rác rưởi, gạch vụn).

Cấu tạo lớp đất này quyết định độ sâu của móng. Có những nhà cao tầng nhưng móng lại khá nông, vì cấu tạo đất tốt. Nhưng cũng cần thận trọng với những khu vực chỉ có một lớp đất mỏng ở trên là tốt, còn phía dưới là đất bùn hoặc có nước ngầm.

Khi thi công móng xong, cần phải đổ đất lấp kín các bộ phận của móng. Trường hợp móng nổi lên khỏi mặt đất, do tôn nền quá cao, cần đổ đất xung quanh để lấp kín.
Thông thường, các công trình có chiều cao trong khoảng 4 tầng trở xuống, chiều sâu móng dao động trong phạm vi 0,6 – 1,0 m. Không nhất thiết phải là móng sâu, công trình mới bền vững. Nếu chiều sâu chôn móng càng lớn thì chiều rộng đế móng cũng phải tỷ lệ thuận.

Chiều rộng đế móng cũng phụ thuộc vào hai yếu tố: tải trọng công trình truyền xuống móng và các chỉ tiêu cơ lý của lớp đất phía dưới móng.

Việc lựa chọn sử dụng loại móng nào là do khả năng chịu tải của đất, chiều sâu của các lớp đất, hình dạng mặt bằng nhà cũng như tải trọng của nhà lên đất nền. Việc lựa chọn này còn phải xuất phát từ tính chất công trình và biện pháp thi công ở một địa điểm cụ thể. Nhưng dù biện pháp nào cũng phải đạt được các yêu cầu về cường độ, và biến dạng của đất nền, đảm bảo cho độ lún và độ chênh lún đạt yêu cầu quy định của tiêu chuẩn thiết kế. Ngày nay, móng bê tông cốt thép được sử dụng rộng rãi vì nó thích hợp cho các công trình trên nền đất bình thường và nền đất yếu.

Khi đào móng cho các ngôi nhà cao tầng, cần lưu ý đến các nhà có cấu tạo không kiên cố xung quanh (nhà cấp 4). Trong khi đào móng, phải có biện pháp phòng ngừa, ví dụ gia cố bằng cọc cừ, để đất dưới chân móng của những nhà đó không chảy sang hố móng mới đào.

Bất kỳ công trình nào cũng có một độ lún. Nhưng nếu công trình có độ lún không đều sẽ gây nứt vỡ. Thông thường ngôi nhà lún mạnh hơn cả ở chỗ nào vết nứt phát triển từ dưới lên trên. Vết nứt hình chữ A thì phần giữa lún mạnh hơn hai bên, còn vết nứt hình chữ V thì tường hai bên lún mạnh hơn (hình 4.1).

Các công trình xây chen thường khá phức tạp.

Khi đặt trên nền đất có độ chặt khác nhau, tường sẽ lún không đều, gây nứt vỡ. Rất nhiều công trình khi thi công đã làm cho những công trình thi công trước đó bị lún mạnh hơn.

Để ngăn chặn độ lún không đều trên các nền đất yếu và địa hình phức tạp, người ta phải làm móng bằng một tấm bê tông cốt thép dày, cấu tạo tương tự như bản sàn lật ngược. Tấm móng này làm việc giống như một mảng bè, và có thể hình dung ngôi nhà “du lịch” trên đó. Cấu trúc móng này tỏ ra đặc biệt hiệu quả chống lại sự trượt của đất. Người ta có thể làm giảm độ lún bằng cách làm cho đất hóa đá. Xi măng và các vật liệu kết dính khác được bơm vào nền nhà dưới một áp suất lớn.

Nếu ngôi nhà có hai phần trọng lượng khác nhau (có khối cao tầng hơn hẳn khối khác) thì hợp lý hơn cả là tách hai khối riêng biệt, để mỗi khối lún riêng rẽ.
Quá trình nén chặt đất cát được hoàn thành trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Sau khi xây xong công trình một vài năm, quá trình lún của đất tạm dừng. Nhưng trên nền đất sét thì quá trình ổn định lâu dài hơn, hàng chục năm, có khi đến hàng thế kỷ. Các nhà nghiên cứu đã tổng kết rằng những sự cố xảy ra với móng thường do sự phức tạp trong quá trình chịu nén của lớp đất sét.

2.1. Các loại móng
Theo hình thức và cách thức truyền tải trọng xuống nền, móng bê tông cốt thép có các loại: móng đơn, móng băng, móng bè và móng cọc. Ba loại trên thuộc về móng nông vì đế móng đặt trên nền đất thiên nhiên hoặc nền đất gia cố với độ sâu không lớn. Móng cọc là móng sâu vì mũi cọc có thể ở độ sâu hàng chục mét.

2.1.1 Móng đơn
Móng đơn thường đỡ đế cột trong điều kiện đất tốt và khoảng cách cột lớn. Móng đơn có thể hình dạng giật cấp hoặc hình tháp, đáy hình chữ vuông, chữ nhật, cá biệt có dạng tròn. Mỗi bậc của dạng giật cấp có thể từ 30 – 60 cm. Chiều cao các bậc phụ thuộc chiều cao chung của móng. Chiều cao của các bậc trên phải đủ để đường xiên 45° nằm phía trong khối móng vì áp lực truyền từ cột xuống theo một góc mở 45°.
Đế móng thường có hình vuông hoặc hình chữ nhật. Bê tông móng thường sử dụng mác 150, 200 hoặc 300. Đế móng nằm trên lớp bê tông lót (bê tông gạch vỡ) dày 10 cm. Chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép trong thân móng phải lớn hơn 35 mm.
Cốt thép móng thường để thép chờ để nối tiếp với thép cột. Cốt thép dưới đế móng là cốt chịu kéo được đặt theo cả hai phương ngắn và dài, tạo thành lưới. Trong đó, cốt theo phương dài đặt xuống dưới, theo phương ngắn đặt phía trên. Thép có đường kính Ø 10 trở lên, khoảng cách thường 10 – 20 cm (hình 4.2).

2.1.2 Móng băng
Móng băng có dạng dải dài liên tục, được phân bổ dưới tường và bao bọc xung quanh công trình. Khi nền đất yếu có thể dùng móng băng giao nhau. Đây là loại móng thường được sử dụng trong công trình nhà ở dân dụng (hình 4.3).

Móng băng được chia làm 2 dạng:

a. Móng băng dưới tường chịu lực:
Tường chịu lực có độ cứng lớn nên móng băng dưới tường chịu lực làm việc theo phương ngang. Cốt thép chịu lực là cốt đặt theo phương ngang, cốt đặt theo phương dọc móng là cốt phân bổ. Móng băng có thể có tiết diện bản móng là hình chữ nhật khi bề rộng móng không lớn. Nhưng thông thường, tiết diện hai mái dốc là phù hợp và tiết kiệm được vật liệu. Thép có đường kính Ø 10 trở lên, khoảng cách thường từ 10 – 20 cm.

b. Móng băng dưới hàng cột:
Móng băng giao nhau có diện tích đế móng lớn và độ cứng theo cả hai phương cũng lớn nên có khả năng giảm lún và điều chỉnh tương đối tốt sự lún không đều so với móng băng độc lập. Móng băng chịu các tải trọng tập trung truyền từ cột xuống gây ra phản lực nền. Có thể coi móng băng là một dầm đặt trên nền đàn hồi là đất.

2.1.3 Móng bè
Diện tích đế móng trải rộng trên cả mặt bằng công trình. Móng bè tương tự như một sàn lật ngược nằm trên nền đất, dưới tác dụng của áp lực từ dưới đáy lên. Móng bè có ba dạng: dạng sàn nấm, sàn sườn hoặc dạng hộp.

Cấu tạo móng bè giống như cấu tạo sàn. Khi thiết kế móng, người ta thường bố trí cho tổng hợp lực của toàn bộ công trình đi qua trọng tâm của móng nhằm làm cho áp lực dưới đế móng là phân bố tương đối đều ở các khu vực (hình 4.4).

2.1.4. Móng cọc
Nếu các lớp đất mặt không chịu được tải trọng của ngôi nhà thì người ta phải thiết kế móng cọc, để truyền tải trọng này xuống các lớp đất chắc nằm sâu bên dưới. Biện pháp này thường áp dụng khi xây nhà gần hồ, hay các lớp đất mặt là bùn, hoặc ao hồ mới lấp. Biện pháp này còn được áp dụng khi xây nhà trên mặt nước (thủy đình). Móng cọc gồm có hai bộ phận: cọc và đài cọc.
Cọc là bộ phận đóng vào trong đất, dùng để lèn chặt các lớp đất yếu hoặc để truyền tải trọng công trình xuống lớp đất tốt ở dưới sâu.
Đài cọc là bộ phận nối liền các cọc với nhau và phân bố lực từ công trình xuống các cọc.

Cọc được chia làm nhiều loại: cọc gỗ, cọc thép, cọc bê tông, cọc bê tông cốt thép, cọc hỗn hợp. Đa số nhà ở sử dụng cọc bê tông cốt thép.
Trong trường hợp đóng cọc thường hay có hiện tượng nứt. Do đó người ta dùng cọc ứng suất trước, có thể tiết kiệm bê tông hơn từ 15-20%, và 50-60% thép so với cọc thường.

Cọc có tiết diện thông thường là 15 x 15, 20 x 20, 25 x 25 cm.
Mác bê tông 250 – 400. Cọc có sức chịu tải lớn, đóng sâu, độ chối bé thì phải dùng mác bê tông cao. Mũi cọc có tiết diện hình tháp để dễ đóng. Mũi cọc phải chọn loại cân đối để cọc không bị đi xiên. Cốt thép trong cọc có thể là cốt thép thường hoặc có ứng lực trước. Loại ứng lực trước có khả năng chống nứt và tiết kiệm cốt thép. Việc nối các đoạn cọc phải dùng phương pháp hàn có bản táp.

Đài cọc thường dùng để đỡ cột. Các đài cọc nối với nhau bằng hệ giằng. Hệ giằng này có tác dụng truyền lực ngang từ đài này sang đài khác, góp phần điều chỉnh lún lệch giữa các đài cạnh nhau (hình 4.5).

  1. Cột
  2. Bê cọc
  3. Cọc
  4. Lớp đất yếu
  5. Lớp đất chặt

2.2 Thi công móng
Khi thi công móng, ở một số địa hình nằm trên dải nước ngầm, có thể mạch nước ngầm ở gần hoặc cao hơn đáy móng sẽ làm hỏng cấu trúc móng. Nếu nước ngầm có độ dốc và tốc độ di chuyển lớn, các hạt đất ở đáy móng có thể bị trôi, làm giảm độ chặt của đất. Nếu mực nước ngầm ở dưới đáy móng và tốc độ thấm không lớn hoặc nước không chuyển động thì nước ngầm không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của nền móng công trình.

2.2.1 Lún khô hố móng
Khi thi công móng, đòi hỏi hố móng phải khô ráo. Nhưng trong đất luôn luôn có các mạch nước ngầm rỉ nước, vì vậy người ta thường phải tiến hành bơm hút nước liên tục trong lúc thi công móng. Công việc bơm nước tiến hành đồng thời trong lúc đào để làm đất ráo nước trước khi đào. Khi hố móng đã đào đến cao trình thiết kế, công việc bơm nước vẫn tiến hành cho đến khi xây xong móng (hình 4.6).

2.2.2 Gia cố nền đất yếu
a. Phương pháp đệm cát
Có tác dụng giảm độ lún của móng, giảm độ chênh lệch lún móng, giảm khối lượng vật liệu làm móng vì giảm chiều sâu chôn móng. Cát có ma sát lớn nên móng không có khả năng trượt phẳng trên mặt tầng đệm cát.
Nếu hố đào khô, cát được đổ từng lớp dày 20 cm và làn chặt bằng đầm lăn, đầm xung kích hoặc chấn động.

  1. Hố tụ nước
  2. Máy bơm
  3. Rãnh
  4. Mực nước ngấm trung bình
  5. Mực nước khi hút nước

2.2.2 Gia cố nền đất yếu
a. Phương pháp đệm cát
Phương pháp này có tác dụng giảm độ lún của móng, giảm độ chênh lệch lún móng và giảm khối lượng vật liệu làm móng. Cát có ma sát lớn, giúp ngăn không cho móng trượt trên mặt tầng đệm cát.
Khi hố đào khô, cát được đổ thành từng lớp dày 20 cm và được đầm chặt bằng đầm lăn, đầm xung kích hoặc chấn động.

b. Phương pháp đầm chặt lớp đất mặt
Khi đất nền có độ ẩm nhỏ, không cần thiết phải đào bỏ lớp đất phía trên mà có thể dùng phương pháp đầm xung kích. Quả đầm được kéo lên bằng cần trục với độ cao từ 4-6m và thả rơi tự do. Sau từ 5 đến 10 lần đầm, lớp đất nền sẽ được chặt chẽ.

c. Phương pháp đóng cọc tre
Đây là phương pháp đóng cọc vào đất để nén chặt lớp đất, thường dùng cọc tre với mật độ 25 cọc/m² và đường kính từ 8 – 10 cm. Cọc phải được vát nhọn đầu và đóng cho đến khi đạt độ chối nhất định. Cọc tre có thể sử dụng trong khoảng 60 – 70 năm nếu luôn ở dưới mực nước ngầm.

Các biện pháp gia cố nền đất yếu khác
Ngoài các phương pháp trên, còn có thể sử dụng đóng cọc cát, phun vữa xi măng vào đất hoặc dùng phương pháp nổ mìn tầng sâu. Tuy nhiên, những phương pháp này không phổ biến, đặc biệt trong xây dựng nhà ở thấp tầng.

2.2.3 Đổ bê tông móng

  • Móng cọc: Móng cọc thường được thi công dưới hố độc lập, sử dụng cẩu ngang để bơm bê tông xuống. Cần chú ý đắp vữa xi măng dẻo vào cạnh dưới cốp pha để ngăn nước xi măng chảy mất.
  • Móng băng: Móng băng thường có mặt cắt hình thang, mái dốc nhỏ nên không cần ghép cốp pha mà sử dụng đầm bàn kết hợp bàn xoa. Cần kiểm soát chiều dày và kích thước bê tông để tránh lãng phí.

2.2.4 Biện pháp bảo vệ móng

  • Nếu sự xâm thực của nước ngầm không quá mạnh, có thể quét lớp nhựa đường lên mặt ngoài của móng và đắp đất sét bao quanh.
  • Nếu nước ngầm có tính xâm thực mạnh, cần bảo vệ móng bằng lớp vữa xi măng trát kỹ và bọc ngoài móng bằng lớp ma-tít cách nước. Có thể phủ lớp giấy dầu tẩm bitum vào cạnh bên hoặc giữa tường chân móng.

2.3 Thi công khung
Kết cấu khung bê tông cốt thép được sử dụng phổ biến vì tính linh hoạt trong không gian sử dụng.

  • Ưu điểm:
    • Giảm chiều cao kết cấu.
    • Dễ tạo không gian cho thiết bị dưới sàn.
    • Dễ dàng thi công ván khuôn và đổ bê tông.
    • Có thể sử dụng vách ngăn di động mà không bị giới hạn bởi hệ dầm.

2.3.1 Kết cấu khung: Kết cấu khung bao gồm các cột và dầm được liên kết với nhau, tạo thành một hệ thống kết cấu chịu tải trọng thẳng đứng và ngang, từ đó truyền tải xuống móng.

a. Dầm đơn
Dầm đơn là loại dầm thẳng, hai đầu đặt lên hai gối đỡ, không có gối tì ở giữa. Đầu dầm không đúc liền với thanh giằng hay cột mà chỉ sát với đầu tường hoặc cột. Nửa trên của dầm là vùng chịu nén, nửa dưới là vùng chịu kéo. Giữa hai vùng này là trục trung hòa. Miền chịu kéo sẽ có thép chịu lực, miền chịu nén sẽ chịu lực từ bê tông. Cốt thép chịu lực được đặt ở miền chịu kéo, cốt xiên chống lực cắt ở hai đầu gần gối đỡ, cốt đai giữ các thanh thép không bị xê dịch.

b. Dầm conson
Dầm conson chịu lực ngược lại so với dầm đơn, với miền chịu kéo ở phía trên và miền chịu nén ở phía dưới. Cốt thép cũng được bố trí ngược lại. Dầm conson được sử dụng trong các kết cấu như ô-văng hoặc sê-nô.

c. Dầm liên tục
Trong dầm liên tục, cốt thép chịu lực được đặt phía dưới giữa các gối và phía trên ở các gối bên trong để chống mô-men uốn âm.

d. Cột
Cột chủ yếu chịu lực nén, và bê tông có khả năng chịu nén rất tốt, vì vậy cốt thép chỉ có nhiệm vụ chống uốn. Cốt thép cũng giúp tăng cường khả năng chịu nén của cột. Cột biên đôi khi được bố trí lùi vào trong, dầm và sàn có phần đua ra ngoài để tạo điều kiện trang trí mặt đứng, thường được sử dụng khi mặt đứng là tường kính toàn bộ.

2.3.2 Thi công kết cấu khung: Thi công kết cấu khung gồm hai giai đoạn chính: thi công cột và thi công dầm, sàn.

  • Ghép cốt pha cột phải được dọi chính xác theo mọi chiều. Những sai phạm thường gặp là sai vị trí, sai tim cột, kích thước không đúng yêu cầu, vị trí cốt thép sai lệch, bê tông bị rỗng hoặc có rỗ mặt. Cột được ghép cốp pha bốn mặt, với cửa đổ ở mỗi mặt cách nhau khoảng 1,5 m, đảm bảo chiều cao rơi tự do cho phép để đổ bê tông.

  • Để đảm bảo bê tông đạt cường độ thiết kế, phải kiểm soát chính xác tỉ lệ các thành phần trong hỗn hợp bê tông, không nên cho xi măng, đá sỏi hoặc cát vào quá nhiều hoặc đổ nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Bê tông phải được trộn kỹ, đầm đúng kỹ thuật, không quá nhanh cũng không quá lâu để tránh phân tầng.

  • Dưỡng hộ bê tông phải đầy đủ và đúng quy định, không tưới nước quá liên tục hoặc không đủ số ngày yêu cầu.

  • Bê tông bị rỗ ngoài mặt là rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến sự ăn mòn cốt thép, làm giảm sự liên kết giữa bê tông và cốt thép, từ đó giảm khả năng chịu lực của toàn bộ kết cấu. Nguyên nhân thường là do đầm không kỹ hoặc cốp pha bị hở, khiến sữa xi măng bị chảy ra.

  • Khi đổ bê tông cột, cần đổ nhiều lần với mỗi lần đổ không quá 0,3 m, đảm bảo chiều cao đổ tự do không quá 1,5 m để tránh phân tầng bê tông. Sau mỗi lần đổ, cần đầm kỹ rồi mới tiếp tục đổ tiếp. Có thể dùng vồ gõ ngoài cốp pha để giúp nước xi măng chảy ra ngoài.

  • Khi đổ bê tông cột, cần tuân thủ quy định về khớp nối thi công (khe thi công, mạch thi công) tại các vị trí tiếp nối, như mặt trẻn của móng hoặc mặt dưới của dầm.

  • Khi đổ bê tông dầm có kích thước lớn và nối liền với bản sàn, khớp nối thi công nên được bố trí ở mặt dưới của bản sàn, với độ dày khoảng 2-3 cm.

Việc dỡ cốp pha:

Dỡ cốp pha phải được tiến hành sau khi bê tông đã đủ ngày quy định, cần thực hiện một cách nhẹ nhàng và tránh đụng chạm quá mạnh vì bê tông chưa khô đủ cường độ.

Sửa chữa các vết rạn nứt:

  • Đục dọc theo vết nứt sâu xuống thành hình chữ V. Sau đó, dùng bàn chải sắt để làm sạch khu vực.
  • Tưới nước xi măng xuống khe nứt.
  • Dùng vữa xi măng cát vàng với tỉ lệ 1/3 để trát lên, làm phẳng bề mặt.
  • Khi vữa hơi se mặt, miết lại một lần nữa.
  • Sau 3-4 giờ, tiến hành giữ ẩm cho vết nứt ít nhất trong 7 ngày.

Trường hợp bê tông bị xốp:

  • Cần đục bỏ phần bê tông bị xốp cho đến khi gặp bê tông cứng. Vị trí đục phải làm dốc ra ngoài, không để thành hốc trũng, vì bê tông sẽ không thể lấp kín được nếu để thành hốc.
  • Sau khi đục, dùng bàn chải sắt để làm sạch khu vực.
  • Lắp cốp pha bên ngoài kết cấu, phía trên cốp pha tạo thành miệng phễu để đổ bê tông vào.
  • Đổ bê tông từ từ vào trong cốp pha và đầm kỹ.
  • Dưỡng hộ bê tông tốt trong 7 ngày sau khi đổ.
  • Sau 20 ngày, tháo bỏ cốp pha và đục bỏ phần bê tông thừa.

2.4. Thi công sàn mái

2.4.1 Sàn

Sàn có cấu tạo gần giống với dầm, nhưng mặt cắt ngang của sàn rộng hơn và chiều dày lại nhỏ hơn. Vì vậy, không cần sử dụng cốt thép khung và đai. Chiều dày của sàn thường từ 8-10 cm. Bê tông sàn không yêu cầu chống thấm hay chống nóng như mái, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy trình bảo dưỡng để tránh nứt.

  • Mặt sàn được chia thành các dải để đổ bê tông, mỗi dải rộng từ 1-2 m. Sau khi đổ xong một dải, tiếp tục đổ dải kế tiếp. Khi đổ bê tông gần đến dầm chính, khoảng cách từ sàn đến dầm chính khoảng 1m, bắt đầu đổ bê tông vào dầm. Khi đổ bê tông vào dầm, khoảng cách từ mặt trên của cốp pha sàn đến bề mặt bê tông là 5-10 cm, tiếp tục đổ bê tông sàn.

  • Khi đổ bê tông sàn, cần phải khống chế độ cao của bê tông bằng các cữ để tránh lãng phí. Dùng bàn xoa gỗ đập và xoa cho mặt sàn được phẳng sau khi đã đầm dùi kỹ.

  • Việc đổ bê tông dầm cần thực hiện theo từng đoạn, mỗi đoạn có chiều dài khoảng 1m. Đổ đến khi đạt độ cao yêu cầu của dầm, rồi mới tiếp tục đổ phần tiếp theo.

  • Mùa hè, khi nhiệt độ lên trên 30°C, cần phải đổ bê tông liên tục để đảm bảo sự liên kết giữa bê tông mới và phần bê tông đã bắt đầu cứng, tránh bị phá hoại. Nếu việc ngừng đổ là bắt buộc, phải chờ bê tông tươi khoảng 1-2 ngày đến khi bê tông cứng, rồi mới tiếp tục đổ.

  • Việc đổ bê tông nối tiếp phải tuân thủ đúng quy phạm khớp nối bê tông (khe thi công, mạch thi công), tức là song song với canh nhỏ nhất của bản sàn. Nếu bản sàn có dầm con, khớp nối sẽ được bố trí ở khoảng 1/3 giữa hai nhịp dầm. Trước khi đổ bê tông mới, phải đục mặt bê tông cũ (chỗ tiếp xúc với bê tông mới) cho nhẵn và rửa sạch hết bê tông đục ra. Dùng bàn chải sắt và nước để làm sạch, sau đó tưới nước xi măng lên rồi đổ bê tông mới cùng mác với bê tông cũ, nhưng chú ý tăng thêm xi măng và nước để có loại bê tông dẻo hơn.

  • Sau khi đổ bê tông, sau khoảng 3-4 giờ cần tiến hành công tác dưỡng hộ. Tưới nước khi bê tông đã se mặt để hạn chế sự co rút của bê tông. Nếu công tác dưỡng hộ không thực hiện tốt, có thể xảy ra hiện tượng nứt nẻ giữa lớp bê tông mới và cũ.

2.4. Thi công sàn mái

2.4.1 Sàn

Sàn có cấu tạo gần giống với dầm, nhưng mặt cắt ngang của sàn rộng hơn và chiều dày lại nhỏ hơn. Vì vậy, không cần sử dụng cốt thép khung và đai. Chiều dày của sàn thường từ 8-10 cm. Bê tông sàn không yêu cầu chống thấm hay chống nóng như mái, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy trình bảo dưỡng để tránh nứt.

  • Mặt sàn được chia thành các dải để đổ bê tông, mỗi dải rộng từ 1-2 m. Sau khi đổ xong một dải, tiếp tục đổ dải kế tiếp. Khi đổ bê tông gần đến dầm chính, khoảng cách từ sàn đến dầm chính khoảng 1m, bắt đầu đổ bê tông vào dầm. Khi đổ bê tông vào dầm, khoảng cách từ mặt trên của cốp pha sàn đến bề mặt bê tông là 5-10 cm, tiếp tục đổ bê tông sàn.

  • Khi đổ bê tông sàn, cần phải khống chế độ cao của bê tông bằng các cữ để tránh lãng phí. Dùng bàn xoa gỗ đập và xoa cho mặt sàn được phẳng sau khi đã đầm dùi kỹ.

  • Việc đổ bê tông dầm cần thực hiện theo từng đoạn, mỗi đoạn có chiều dài khoảng 1m. Đổ đến khi đạt độ cao yêu cầu của dầm, rồi mới tiếp tục đổ phần tiếp theo.

  • Mùa hè, khi nhiệt độ lên trên 30°C, cần phải đổ bê tông liên tục để đảm bảo sự liên kết giữa bê tông mới và phần bê tông đã bắt đầu cứng, tránh bị phá hoại. Nếu việc ngừng đổ là bắt buộc, phải chờ bê tông tươi khoảng 1-2 ngày đến khi bê tông cứng, rồi mới tiếp tục đổ.

  • Việc đổ bê tông nối tiếp phải tuân thủ đúng quy phạm khớp nối bê tông (khe thi công, mạch thi công), tức là song song với canh nhỏ nhất của bản sàn. Nếu bản sàn có dầm con, khớp nối sẽ được bố trí ở khoảng 1/3 giữa hai nhịp dầm. Trước khi đổ bê tông mới, phải đục mặt bê tông cũ (chỗ tiếp xúc với bê tông mới) cho nhẵn và rửa sạch hết bê tông đục ra. Dùng bàn chải sắt và nước để làm sạch, sau đó tưới nước xi măng lên rồi đổ bê tông mới cùng mác với bê tông cũ, nhưng chú ý tăng thêm xi măng và nước để có loại bê tông dẻo hơn.

  • Sau khi đổ bê tông, sau khoảng 3-4 giờ cần tiến hành công tác dưỡng hộ. Tưới nước khi bê tông đã se mặt để hạn chế sự co rút của bê tông. Nếu công tác dưỡng hộ không thực hiện tốt, có thể xảy ra hiện tượng nứt nẻ giữa lớp bê tông mới và cũ.

2.5. Thi công cầu thang

Bậc thang được xây bằng gạch đặc trên bản thang bê tông cốt thép. Việc chia bậc phải được thực hiện cẩn thận vì phần hoàn thiện sẽ dựa trên đó. Nếu bậc chia lệch, quá thấp hoặc quá cao, việc điều chỉnh sau này sẽ rất khó khăn. Cần chú ý độ vuông góc giữa bậc thang và tường thang.

Bản bê tông cốt thép phải xác định độ dốc trước khi ghép cốp pha và đặt cốt thép. Một cách thực hiện là vạch các vị trí bậc thang lên tường thang sau khi hoàn thiện. Nếu cầu thang không dựa vào tường, cần căn dây xác định trên bức tường gần nhất, ngang với mặt bậc.

2.6. Thi công khu vệ sinh

Sàn bê tông khu vệ sinh cần phải hạ cốt so với cốt sàn ít nhất 5 cm để nước không bị tràn ra ngoài khu vệ sinh, tránh ướt hành lang hoặc các phòng khác. Chú ý tạo độ dốc về phía phễu thu nước để khi lát gạch, không phải láng quá nhiều vữa tạo dốc. Phễu thu nước không nên đặt gần cửa vào mà tốt nhất là ở hướng đối diện.

Cần chừa lỗ cho hộp kỹ thuật để đưa các đường ống thoát nước từ các tầng trên và đường ống cấp nước.

Sau khi đổ bê tông, nên rải thêm một lớp xi măng bột để tăng khả năng chống thấm.

2.7. Thi công tường

2.7.1. Chuẩn bị vật liệu

a. Tính chất vữa

Gạch được xây bằng vữa, đóng vai trò gắn kết các viên gạch riêng lẻ lại thành một khối, đồng thời làm bằng phẳng bề mặt lớp xây. Vữa phải có cường độ nhất định, tính bền vững, tính linh động (tính dẻo), độ sệt và khả năng giữ nước.

  • Tính linh động là khả năng rải vữa thành lớp mỏng, đặc đều và cân bằng được viên gạch. Tính linh động giúp người thợ xây làm việc nhẹ nhàng hơn và tăng hiệu suất lao động. Tính linh động liên quan chặt chẽ tới độ sệt của vữa.

  • Độ sệt của vữa phụ thuộc vào thành phần và kích thước cốt liệu, cũng như lượng nước pha trộn. Giới hạn độ sệt của vữa là:

    • Khối xây gạch đặc: 3-13 cm
    • Khối xây gạch lỗ đứng: 7-18 cm. Độ sệt cực đại được sử dụng trong môi trường có nhiệt độ cao và đối với loại gạch xốp và khô.
  • Khả năng giữ nước ảnh hưởng đến sự đông cứng của vữa. Điều này phụ thuộc vào loại vữa và độ rỗng của gạch trong khối xây.

Vữa trong khối xây có tác dụng:

  • Liên kết các viên gạch trong khối xây, tạo nên một loại vật liệu liền khối mới.
  • Truyền và phân phối ứng suất trong khối xây từ viên gạch này đến viên gạch khác.
  • Lấp kín các khe hở trong khối xây.

b. Các loại vữa

  • Vữa xi măng cát: Thành phần gồm cát, xi măng và nước. Vữa xi măng không có chất kết dính dẻo nên khô cứng nhanh, có cường độ cao nhưng giòn và khó thi công.

  • Vữa tam hợp (vữa bata): Thành phần gồm cát, xi măng, vôi và nước. Loại vữa này có tính dẻo cần thiết, thời gian khô cứng vừa phải, nên được sử dụng nhiều nhất.

  • Vữa không xỉ mủ (vữa vôi): Gồm vôi, cát và nước.

  • Vữa đất sét: Thành phần gồm cát, đất sét và vữa thạch cao.

Lượng xi măng cần tăng khi sử dụng cát nhỏ hạt. Ví dụ, trong 3 m³ cát vữa tam hợp cần 125 kg xi măng.

2.7.2 Yêu cầu kỹ thuật

Công tác xây tường gạch cần phải đảm bảo một số các điều kiện kỹ thuật sau đây:

a. Mạch vữa trong khối xây phải đông đặc

  • Mạch vữa ngang và mạch vữa đứng trong khối xây phải được chèn đầy và ép bên ngoài cho chặt, đặc biệt là mạch vữa đứng. Theo quy phạm, trung bình mạch vữa ngang có độ dày 12 mm, còn mạch vữa đứng có độ dày 10 mm.
  • Giới hạn của mạch vữa không được vượt quá phạm vi 7-15 mm.
  • Các mạch vữa đứng của khối xây phải lệch nhau giữa các hàng này so với các hàng khác một khoảng từ 1/4 đến 1/2 chiều dài viên gạch.
  1. Mạch dọc: Là mạch vữa nằm theo chiều dài của viên gạch, tức là mạch vữa theo hướng từ dưới lên trên của tường, kết nối các viên gạch theo chiều dọc.

  2. Mạch đứng dọc: Là mạch vữa nằm theo hướng đứng dọc của tường, nhưng có thể chỉ rõ hơn về vị trí các mạch vữa chạy từ trên xuống dưới của mỗi viên gạch.

  3. Mạch đứng ngang: Là mạch vữa nằm theo chiều ngang giữa các viên gạch, giúp kết nối chúng lại với nhau trên mỗi lớp gạch. Mạch này tạo ra sự liên kết vững chắc giữa các viên gạch trên cùng một lớp xây.

b. Từng lớp xây phải ngang bằng
Khi xây, cần căng dây ngang cho từng lớp xây để kiểm tra từng hàng gạch có nằm trên mặt phẳng nằm ngang hay không. Mỗi mét xây theo chiều cao cần phải kiểm tra độ ngang ít nhất 2 lần. Thường dùng thước bình có ba bọt nước (nivo) dài 1,2m đặt song song với dây căng ngang, không cho phép độ lệch quá 20mm. Các mạch vữa đứng phải song song với mặt ngoài của khối xây và các mạch vữa ngang cần phải vuông góc với mặt ngoài của khối xây.

c. Khối xây phải thẳng đứng
Dùng quả dọi thép để kiểm tra độ nghiêng của khối xây. Độ nghiêng các mặt và các góc khối xây theo chiều cao không vượt quá 10mm cho 1 tầng nhà cao từ 3-4m. Đối với toàn bộ chiều cao nhà, độ nghiêng không vượt quá 30mm.

d. Mặt khối xây phải phẳng
Dùng thước nhôm có chiều dài 2-2,5m để kiểm tra độ phẳng của mặt tường. Độ gồ ghề không được vượt quá 4mm.

e. Khối xây không được trùng mạch
Việc tường gạch bị nứt theo chiều đứng là vấn đề cần chú ý, do đó cần tránh các mạch xây bị trùng. Thường dùng viên gạch 3/4 ở góc để bố trí các mạch vữa lệch đi một nửa viên gạch, không để trùng mạch. Việc này giúp tải trọng phân bố đều trên toàn bộ khối xây, giảm nguy cơ nứt tường.

2.7.3 Các khối xây gạch

  • Tường chịu lực: Ngoài trọng lượng bản thân, tường chịu lực còn phải chịu tải trọng từ các kết cấu khác như sàn, mái, và tác động của ngoại lực (gió, bão,…). Những bức tường ngang và dọc của nhà, cùng với sàn và mái, tạo thành hệ thống không gian chịu lực.

  • Tường tự mang: Chỉ chịu trọng lượng bản thân mà không chịu tải trọng từ các kết cấu khác.

a. Xây tường chịu lực
Giằng tường bê tông cốt thép có tác dụng liên kết các bức tường ngang và dọc thành một khối thống nhất, giúp tránh cho các góc tường bị xé nứt. Giằng tường có thể kết hợp làm lanh tô cửa sổ hoặc cửa đi. Giằng tường thường có chiều dày bằng chiều cao của một viên gạch.

b. Xây tường chèn khung chịu lực
Yêu cầu xây tường chèn khung chịu lực phải tương tự như tường chịu lực, đặc biệt mạch vữa cần phải thật đặc chắc. Đầu tường phải được chèn chặt, và các cột cần quét nước xi măng đặc trước khi xây tường. Gạch phải được đặt sát với cột. Thông thường, nên để sẵn các sợi thép râu (Ø 6-8mm) dài khoảng 25cm trong khung cột từ khi làm cốt thép bê tông cột, và sau đó câu vào mạch vữa tường chèn. Khoảng cách lắp râu thép thường là từ 5-6 hàng gạch. Lớp trên cùng sát với mặt đáy dầm, giằng, thường được xây nghiêng hàng gạch và chèn vữa kín đầu trên hàng gạch. Cần dùng vữa xi măng tưới ướt bê tông để liên kết tốt với tường gạch. Khi xây, cần chú ý đẩy viên gạch lên để mạch trên được đầy vữa.

c. Xây trụ độc lập
Trụ là thành phần chịu lực, do đó yêu cầu phải chính xác. Lệch tâm của trụ có thể dẫn đến việc trụ bị đổ. Cần căng dây lèo cho cả dãy trụ, sau đó sử dụng dụng cụ kiểm tra tim trụ, các góc trụ và độ thẳng đứng của dây góc trụ trước khi tiến hành xây. Gạch để xây trụ cần được chọn lựa kỹ càng, phải đều và không cong vênh. Trụ nên được xây bằng xi măng cát và mỗi đoạn cao từ 50-60cm, phải đợi cho vữa ninh kết rồi mới tiếp tục xây. Không được động mạnh vào hàng gạch và phải che mưa để tránh ảnh hưởng đến chất lượng. Để tăng cường khả năng chịu lực, có thể lắp các lõi thép Ø10-Ø12 bên trong trụ.

d. Cửa sổ
Bậu cửa sổ ở những tường trực tiếp chịu ảnh hưởng của khí hậu cần được xây dốc ra ngoài để thoát nước tốt. Độ dốc này có thể tạo thành từ bề dày của lớp trát, giúp nước không bị ứ đọng trên bề mặt và dễ dàng thoát ra ngoài.

e. Lanh tô
Lanh tô thường được làm bằng bê tông cốt thép. Đối với cửa nhỏ, có thể làm lanh tô bằng gỗ hoặc thép, hoặc sử dụng luôn khuôn cửa làm lanh tô.

Lanh tô xây gạch có thể chia thành hai loại:

  1. Lanh tô cuốn bằng:
    Loại này chỉ dùng cho cửa có khung rộng đến 1,2m, chiều cao của lanh tô tối thiểu là 1 viên gạch. Khi xây, phải tiến hành đồng thời từ hai đầu và dồn vào giữa, viên gạch khóa phải nằm chính giữa lanh tô. Dưới hàng gạch cuối cùng của lanh tô, cần đặt một lớp vữa cốt thép Ø6. Hai đầu cốt thép bên phải ăn sâu vào tường ít nhất 25cm và có uốn móc.
    Phải sử dụng vữa xi măng đổ xây. Các mạch vữa được xây theo hình nêm, đầu dưới dày ít nhất 5mm, đầu trên không quá 25mm, và phải được nhét đầy. Không được đặt gạch theo lối xỉa tiền.

  2. Lanh tô cuốn vòm:
    Gạch và mạch vữa phải hướng vào tâm cố định của cuốn, không được đặt theo lối xỉa tiền. Ván khuôn cho lanh tô cuốn vòm phải được giữ ít nhất 12 ngày trước khi dỡ. Nếu trời lạnh, dưới 10°C, thời gian giữ ván khuôn cần kéo dài hơn. Ván khuôn cho lanh tô cuốn vòm tối thiểu phải giữ trong 5 ngày.

g. Tường treo
Tường treo là loại tường nằm trên dầm đỡ, tựa trên cột. Thường gặp ở các nhà có tường ở tầng trên nhưng tầng dưới thông phòng. Tải trọng sàn các tầng trên được truyền qua tường ngang vào dầm đỡ rồi xuống cột. Nghiên cứu cho thấy việc đặt cửa sổ và cửa đi tại vùng gần gối tựa của dầm đỡ tường có thể bất lợi cho sự làm việc của tường treo. Vì vậy, lỗ cửa trong các tường treo nên được bố trí ở giữa nhịp của dầm đỡ tường.

h. Giằng tường
Giằng tường bê tông cốt thép là kết cấu đảm bảo độ cứng liền khối của kết cấu gạch đá và chịu ứng lực kéo có thể phát sinh khi nhà bị lún không đều. Giằng tường phải được bố trí trên đỉnh tường và chân tường. Trường hợp sàn bê tông cốt thép đổ tại chỗ và phủ lên toàn bộ bề dày tường, thì không cần thêm giằng tường. Giằng tường nên được đổ liền để đảm bảo tính liên kết ổn định của nó. Tại góc tường và các chỗ nối giằng tường, phải gia cố vững chắc để tránh nứt.

2.7.4 Lắp đặt khuôn cửa
Trước khi tiến hành chèn khuôn cửa, phải dựa vào bản vẽ, vạch trục của khung để xác định vị trí tương ứng với các mặt tường và cao độ của khuôn cửa so với cao độ cuối cùng của mặt sàn. Sau đó, tiến hành chèn tạm, điều chỉnh khung vào vị trí chính xác bằng cách đo các chiều và chèn chặt, rồi đóng đinh. Khi lắp đặt khuôn cửa, cần tránh va chạm mạnh và gõ vào khung để tránh làm méo mó khuôn cửa. Trước khi lắp, khuôn cửa phải có thanh giằng ngang đóng ở vị trí cách sàn 20 cm.

2.7.5 Chiều dày tường

  • Tường con kiến: dày 105 mm
  • Tường 1 gạch: dày 220 mm
  • Tường 1,5 gạch: dày 335 mm
  • Tường 2 gạch: dày 450 mm

2.7.6 Yêu cầu giám sát

  • Không chặt gạch lành để xây, mà phải dùng gạch vỡ khi xây những chỗ có kích thước nhỏ hơn quy cách viên gạch.
  • Không dùng gạch vỡ, gạch vụn, ngói vụn để chèn đệm giữa các khối xây chịu lực.
  • Không dùng gạch dính chất bẩn, rêu mốc. Nếu có, phải cạo sạch trước khi xây.
  • Gạch phải được tưới nước kỹ trước khi xây, đặc biệt khi dùng gạch có độ rỗng lớn và khi sử dụng vữa xi măng, để gạch không hút nước của vữa trước khi nó ninh kết, đảm bảo sự kết dính tốt giữa gạch và vữa.
  • Khi ngừng xây, phải che đậy lên hàng gạch cuối cùng để tránh mưa và bảo vệ bức tường.

TÌM HIỂU XÂY NHÀ

Quản lý giám sát thi công cho chủ đầu tư

Người giám sát thi công nên lập nhật ký công trình để theo dõi tiến [...]

Thi công hoàn thiện cửa, cổng

Các loại cửa nhựa và chất dẻo hiện nay có đa dạng về chủng loại, [...]

Thi công hoàn thiện sơn vôi

Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảm giác cho con người. [...]

Hoàn thiện thi công khu vệ sinh

Thi công ốp phải làm sau khi đã trát các phần tường không ốp, đặt [...]

Hoàn thiện cầu thang công trình xây dựng

Có thể sử dụng nhiều loại vật liệu hoàn thiện bề mặt cầu thang như [...]

Hoàn thiện trần trong không gian nội thất

Bộ phận kiến trúc thứ ba trong không gian nội thất sau sàn, tường là [...]

Hoàn thiện mặt sàn trong thi công

Vật liệu hoàn thiện mặt sàn cần đáp ứng các yêu cầu sau: Chịu lực: [...]

Ốp gạch men kính hoàn thị công trình

Tường gạch cũ phải đục nhám bề mặt, tạo các lỗ từ 0,5 đến 1 [...]

Hoàn thiện tường bộ phận kiến trúc chủ yếu của công trình.

Tường là bộ phận kiến trúc chủ yếu của công trình. Ngoài việc tạo ra [...]

Thị công nhà ở lắp đặt các thiết bị

Máy điều hòa nhiệt độ có tác dụng điều tiết không khí trong phòng, giảm [...]

Thi công các yếu tố kỹ thuật công trình nhà ở

Trang bị điện trong công trình phải đảm bảo an toàn cho con người và [...]

Thi công móng và các kết cấu công trình

Đế móng không nằm trên lớp đất có tính ổn định kém (thường gọi là [...]

Những công việc chuẩn bị theo dõi thi công phần thô

Cần nghiên cứu kỹ bản vẽ thi công, sau đó kiểm tra lại các mốc [...]

Lựa chọn mua thiết bị nhà bếp

Một căn bếp được coi là tiện dụng và hiện đại khi được bố trí [...]

Chọn mua thiết bị nước

Chỉ nên mua các loại có xuất xứ rõ ràng, nước mạ ngoài bóng đẹp, [...]

Chọn mua thiết bị điện, thiết bị chiếu sáng

Trước khi tiến hành mua sắm, cần nghiên cứu rõ các vị trí chiếu sáng [...]